Phân khúc nhà phố và khối đế chung cư đuối sức so với trung tâm thương mại

phan-khuc-nha-pho-va-khoi-de-chung-cu-duoi-suc-so-voi-trung-tam-thuong-mai-1643

Từng là “món khoái khẩu” của các nhà đầu tư dòng tiền, phân khúc nhà phố và khối đế bán lẻ trong khu chung cư đang dần mất sức hút. Theo đánh giá từ Savills, hai loại hình này sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức lớn về việc cho thuê, đặc biệt trong bối cảnh giá thuê khó theo kịp mặt bằng của các trung tâm thương mại (TTTM) hiện đại do hạn chế về vị trí, tiện ích và tệp khách thuê.

Dù sức tiêu dùng nội địa gia tăng đáng kể sau đại dịch, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng năm 2023 tăng 9,6% so với cùng kỳ, thị trường lại ghi nhận sự nghiêng hẳn về phân khúc TTTM bài bản. Bà Hoàng Nguyệt Minh – Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội – cho biết, các thương hiệu quốc tế đang đổ bộ mạnh vào thị trường, đặc biệt là phân khúc cao cấp và xa xỉ.

Khu trung tâm Hoàn Kiếm (Hà Nội) nổi lên như điểm đến chiến lược, với sự xuất hiện của loạt thương hiệu như Louis Vuitton, Dior, Berluti, Tiffany & Co., Piaget… Tuy nhiên, nguồn cung mặt bằng đạt chuẩn vẫn còn rất hạn chế, hiện chỉ khoảng 3.500m² sàn đạt yêu cầu với nhãn hàng cao cấp. Điều này đẩy giá thuê lên cao, đặc biệt tại những tuyến phố “vàng” như Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền – nơi giá thuê hiện đã vượt 20% so với thời điểm trước COVID-19.

Theo bà Minh, mặt bằng khu Tràng Tiền hiện chia làm hai nhóm rõ rệt: nhóm các tuyến phố không thuộc phố đi bộ (nơi tập trung thương hiệu xa xỉ) có giá thuê cao ngang ngửa phố Đồng Khởi (TP.HCM); trong khi nhóm phố đi bộ có giá thấp hơn từ 2–3 lần.

TTTM hấp dẫn, nhà phố lép vế

Trong khi TTTM ngày càng được đầu tư đồng bộ, xây dựng danh mục khách thuê bài bản, nâng cấp tiện ích và hỗ trợ pháp lý tốt, thì nhà phố và khối đế chung cư lại gặp khó. Khu phố cổ – nơi từng sôi động bởi các nhà phố buôn bán – nay đang chật vật tìm khách thuê phù hợp. Ngay cả các cửa hàng đã tồn tại từ trước COVID cũng phải đối mặt với việc chủ nhà tăng giá thuê hoặc cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu mới tìm mặt bằng mở rộng.

Dù vậy, bà Minh nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng. Với mức tăng trưởng mạnh về số lượng người giàu và siêu giàu, cùng kỳ vọng nguồn cung TTTM chất lượng cao sẽ gia tăng trong 3 năm tới, Hà Nội tiếp tục là thị trường hấp dẫn với các thương hiệu quốc tế.

Tuy nhiên, để duy trì sức hút và mở rộng hơn nữa, việc phát triển thêm các TTTM mới sẽ là yếu tố mang tính quyết định – vừa giúp giải bài toán khan hiếm mặt bằng cao cấp, vừa thúc đẩy sự đa dạng và cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực bán lẻ.

#tintuc; #bdscafes; #izanami; #batdongsan

TIN MỚI CẬP NHẬT
© 2024 HOÀNG PHÁT LAND. ALL RIGHTS RESERVED.
CHÍNH SÁCH BẢO MẬTĐIỀU KHOẢN SỬ DỤNG