TP.HCM: Cân nhắc chuyển đổi chợ truyền thống thành siêu thị hoặc điểm du lịch

tphcm-can-nhac-chuyen-doi-cho-truyen-thong-thanh-sieu-thi-hoac-diem-du-lich-1455

TP.HCM đang nghiên cứu chuyển đổi mô hình chợ dân sinh nhằm thích ứng với bối cảnh mới, trong đó có khả năng sẽ xóa bỏ những chợ hoạt động kém hiệu quả hoặc chuyển công năng sử dụng.

Chợ truyền thống dần mất sức hút

Theo Sở Công Thương TP.HCM, sau đại dịch COVID-19, sức mua tại các chợ truyền thống chỉ còn khoảng 50% - 70% so với trước đây. Ngoài ra, nhiều chợ xuống cấp, tồn tại vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, hàng hóa không rõ nguồn gốc… làm người tiêu dùng mất niềm tin.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết chợ truyền thống còn phải cạnh tranh trực tiếp với các chuỗi bán lẻ hiện đại, khiến tình hình kinh doanh thêm phần khó khăn.

Nhiều chợ dù vẫn mở cửa nhưng hoạt động èo uột, tiểu thương bỏ sạp do doanh thu không đủ chi phí duy trì. Bà Phạm Thị Sành, Trưởng ban quản lý chợ Hòa Hưng, cho hay: "Sức mua tại chợ đã giảm 60%, ngay cả người lớn tuổi cũng chuyển sang mua hàng online."

Thay đổi công năng, thích ứng thời đại

Trước thực trạng này, các chuyên gia và cơ quan quản lý đề xuất cần tái cấu trúc mô hình chợ dân sinh. Một số chợ có thể được chuyển đổi thành siêu thị, chợ chuyên đề, chợ phiên hoặc điểm du lịch, kết hợp với hoạt động cộng đồng.

Nghị định 60/2024 mở đường pháp lý cho việc giao chợ cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đầu tư và vận hành, tạo điều kiện để TP.HCM quy hoạch lại hệ thống chợ một cách bài bản và linh hoạt hơn.

TS Nguyễn Hoàng Dũng (ĐH Kinh tế - Luật) nhận định, thành phố nên đầu tư trọng điểm vào một số chợ mang yếu tố đặc trưng như chợ du lịch, chợ vùng nội đô hoặc chợ chuyên ngành.

Hiện Sở Công Thương đang phối hợp với ĐH Kinh tế - Luật xây dựng Đề án phát triển chợ dân sinh thích ứng với chuyển đổi số và dịch bệnh, dự kiến trình UBND TP vào tháng 6/2025. Khoảng vài chục chợ có thể sẽ giải tỏa, chuyển công năng hoặc nâng cấp thành siêu thị kết hợp chợ hiện đại.

Chợ truyền thống hướng đến du lịch và cộng đồng

Bên cạnh giải pháp nâng cấp hạ tầng, nhiều ban quản lý chợ đã chủ động xây dựng đề án chuyển đổi. Chợ Bình Tây (quận 6) định hướng phát triển thành điểm du lịch gắn với văn hóa người Hoa, đồng thời áp dụng mô hình “du lịch xanh” như sử dụng túi giấy, vật liệu tái chế.

Chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cũng lên kế hoạch tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh, sinh viên và khách du lịch, kết hợp hoạt động livestream quảng bá hình ảnh chợ truyền thống.

"Chợ dân sinh không chỉ là nơi giao thương mà còn là một phần di sản văn hóa đô thị. Nếu được đầu tư đúng hướng, chợ hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn, vừa gìn giữ bản sắc vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội," bà Đàm Vân, Phó Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, khẳng định.

#tintuc; #bdscafes; #izanami; #batdongsan; #tphcm

TIN MỚI CẬP NHẬT
© 2024 HOÀNG PHÁT LAND. ALL RIGHTS RESERVED.
CHÍNH SÁCH BẢO MẬTĐIỀU KHOẢN SỬ DỤNG