Người lao động nói gì trước quy định mỗi người phải có tối thiểu 4m2 chỗ ở?

nguoi-lao-dong-noi-gi-truoc-quy-dinh-moi-nguoi-phai-co-toi-thieu-4m2-cho-o-1314

Từ ngày 30/3, theo quy định mới, các phòng trọ buộc phải đảm bảo diện tích sàn tối thiểu 4m²/người. Nếu không đạt chuẩn, các cơ sở sẽ bị đình chỉ hoạt động do không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.

Thông tin này khiến nhiều người lao động thu nhập thấp lo lắng. Họ e ngại giá nhà trọ sẽ tăng trong khi thu nhập vẫn eo hẹp, cuộc sống tại đô thị vốn đã khó khăn sẽ càng thêm chật vật, chưa kể đến chi phí nuôi con ăn học.

Chỉ cần có chỗ ngả lưng là được

Những ngày cuối tháng 3, dưới cái nắng gay gắt, hàng nghìn công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở quận 7, Bình Tân, Nhà Bè vẫn đang sống trong những dãy trọ lợp tôn chật hẹp, nóng nực. Nhiều phòng trọ nhỏ như hộp diêm, chỉ rộng 10-12m², đôi khi có thêm gác lửng để đủ chỗ cho cả gia đình 4 người sinh hoạt. Giá thuê rẻ, dao động từ 1,6 đến 2 triệu đồng/tháng – một mức giá mà họ có thể tạm xoay xở được, miễn có chỗ nghỉ qua đêm.

Tại phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân), nơi tập trung đông công nhân và nhà trọ nhất TP.HCM, hầu hết các phòng đều nhỏ dưới 12m², mỗi phòng 3 người, thường là cặp vợ chồng và một con nhỏ.

Ông Kiều Ngọc Sơn, sống tại khu vực này chia sẻ: “Công nhân thu nhập thấp, chỉ cần nơi nghỉ tạm sau ngày làm việc. Nếu buộc phòng rộng hơn, giá thuê tăng cao, họ chịu sao nổi. Có chỗ để ăn, ngủ, rồi sáng lại đi làm là được rồi. Còn đòi hỏi không gian sống rộng rãi thì tiền đâu mà chi trả?”.

Chủ trọ cũng lao đao

Không chỉ người thuê trọ, nhiều chủ nhà trọ cũng rơi vào cảnh khó xử. Ông Đặng Văn Hương, chủ dãy trọ tại quận 7 cho biết, dãy trọ của ông được xây từ lâu, mỗi phòng khoảng 13m² nhưng có gác lửng, tổng diện tích sử dụng là 18m² – đủ chỗ cho 4 người. Giá thuê hiện tại chỉ 1,6 triệu đồng/phòng. Nếu buộc mở rộng diện tích để đạt chuẩn 4m²/người thì chi phí xây dựng tăng, đồng nghĩa giá thuê cũng phải tăng, mà tăng thì công nhân không thuê nổi.

“Chủ trương đảm bảo sức khỏe, chỗ ở cho người lao động là hoàn toàn đúng. Nhưng nếu không có lộ trình cụ thể, thì cả chủ trọ lẫn người thuê đều khó lòng xoay xở kịp,” ông Hương nói.

Chị Hoàng Thị Nga, thuê trọ cùng chồng và 2 con tại quận 7, chia sẻ: “Phòng tôi đang thuê khoảng 16m², giá tầm 2,5-3 triệu/tháng. Nếu buộc phải mở rộng diện tích để đúng chuẩn 4m²/người thì chắc giá lên 5-6 triệu – không kham nổi. Cả ngày đi làm, tối về chỉ cần chỗ ngủ là đủ. Ở thì ai chẳng muốn rộng rãi thoáng mát, nhưng tài chính không cho phép thì biết làm sao”.

Chủ trương đúng – nhưng nỗi lo còn đó

Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 24/6/2024 yêu cầu tăng cường PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, sau ngày 30/3/2025, các cơ sở không đảm bảo yêu cầu sẽ bị dừng hoạt động.

Hiện TP.HCM còn hơn 4.400 nhà trọ chưa đạt chuẩn 4m²/người. Cơ quan chức năng đang ráo riết kiểm tra, hướng dẫn và tìm phương án tháo gỡ.

Tại huyện Nhà Bè – một trong những địa phương có nhiều nhà trọ diện tích nhỏ – các biện pháp cải tạo, bổ sung lối thoát nạn đã được triển khai nhanh chóng nhờ sự phối hợp từ chính quyền địa phương.

Trung tá Nguyễn Phương Nam, Tổ trưởng Tổ địa bàn Cảnh sát PCCC huyện Nhà Bè cho biết: “Dù còn khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, phần lớn các nhà trọ đã hoàn thiện cải tạo theo quy định. Người dân hợp tác khá tốt.”

Cần lộ trình và hỗ trợ cụ thể

Sau đại dịch, cuộc sống mưu sinh của người lao động tại TP.HCM càng thêm khó khăn. Những căn phòng trọ nhỏ hẹp, nóng nực vẫn đang là chốn về duy nhất của hàng ngàn gia đình công nhân.

Chủ trương nâng cao điều kiện sống, đảm bảo an toàn cho người thuê trọ là cần thiết và đúng hướng. Tuy nhiên, để chính sách đi vào đời sống một cách bền vững, rất cần có lộ trình cụ thể, kèm theo chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho cả người thuê lẫn người cho thuê – những mắt xích không thể thiếu trong hệ sinh thái lao động đô thị.

#tintuc; #bdscafes; #izanami; #batdongsan; #nhatro

TIN MỚI CẬP NHẬT
© 2024 HOÀNG PHÁT LAND. ALL RIGHTS RESERVED.
CHÍNH SÁCH BẢO MẬTĐIỀU KHOẢN SỬ DỤNG